Tấm gương Thương binh, người chiến sỹ bị địch bắt tù đầy Côn Đảo
Sinh ra và lớn lên từ vùng đất trung du Minh Hạc (Hạ Hòa), nhân dân và cán bộ nơi đây đều biết đến ông Phùng Hải Ngọc (tên thường gọi là ông Phùng Văn Cử) là thương binh hạng 3/4, chiến sỹ bị bắt tù đầy tại Côn Đảo, hiện nay đang sinh sống tại khu 1, xã Minh Hạc, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ

Vào một ngày tháng 7 chúng tôi có ghé thăm gia đình và được biết: Ông dù đã bước sang tuổi 75 nhưng ông vẫn minh mẫn, khỏe mạnh, là người gương mẫu, có uy tín trong cộng đồng dân cư. Luôn tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn và gia đình thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương. Luôn thân mật, gần gũi với bà con nhân dân được mọi người yêu mến, quý trọng.
Ông sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, khi tròn 19 tuổi, tháng 7/1968 giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc ông lên đường nhập ngũ mang theo nhiệt huyết của tuổi trẻ và truyền thống của quê hương gia đình, ông đóng quân tại đơn vị đặc công ở Sơn Tây - Hà Nội.
Tháng 11 năm 1968 ông được chuyển đến chiến trường B dài tại Cà Mau. Ngày 13/9/1970 ông bị địch bắt đưa về bệnh viện Phan Anh Giảng - Cần Thơ. Sau 7 ngày bị thương, tỉnh dậy ông được đưa về Phòng Nhì - Sài Gòn và tiếp tục bị đưa đi tù đầy tại Côn Đảo - Phú Quốc.
Trong khoảng thời gian bị bắt tù đầy 2 năm 6 tháng ông đã tham gia hoạt động chính trị trong nhà tù, lãnh đạo thanh niên trong nhà tù và được đồng đội bầu là người có công và được Nhà nước khen thưởng 01 bằng khen đấu tranh chính trị trong nhà lao. Đồng thời được Thủ tướng Chính phủ công nhận là người có công với cách mạng, được cấp giấy chứng nhận chiến sỹ cách mạng bị bắt tù đầy tại Phú quốc.
Trong quá trình hoạt động kháng chiến chống Mỹ cứu nước ông đã được truy tặng 02 Huân chương chiến sỹ Giải phóng Hạng hai và Hạng ba; 01 huy chương kháng chiến Hạng nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Tháng 11/1974 ông được xuất ngũ trở về quê hương trên mình mang nhiều vết thương của chiến tranh, vết thương nặng nhất là ở đầu (hiện vẫn còn 2 mảnh đạn ở đầu). Hiện nay ông đang được hưởng chế độ thương binh hạng 3/4 và người có công với cách mạng bị địch bắt tù đày.
Người vợ hiền của ông là bà Nguyễn Thị Chung chia sẻ: Mỗi khi trái gió trở trời khiến người thương binh, người chiến sỹ tù đầy Côn Đảo như ông Cử phải chịu những cơn đau dai dẳng. Nhưng gia đình luôn tự hào về những đóng góp của ông cho đất nước để cho các con, các cháu được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay.
Với phẩm chất của người lính "Bộ đội Cụ Hồ”, với truyền thống của gia đình, bản thân ông không ngại khó khăn, gian khổ khi về với cuộc sống đời thường. Với uy tín của mình ông đã tiếp tục tham gia các hoạt động ở khu dân cư, của các đoàn thể ở địa phương như Hội CCB, Hội Nông dân. Đặc biệt ông đã giữ các chức vụ: Đội trưởng đội sản xuất của Hợp tác xã, Thư ký đội sản xuất, Phó ban TBXH và đặc biệt là 17 năm liên tục làm trưởng khu dân cư số 1.
Ông nói: Bản thân tôi lúc nào cũng tự nhủ và khắc ghi lời của Bác Hồ "Thương binh tàn nhưng không phế”. Là 1 người lính cụ Hồ, bản thân tôi luôn tự nghĩ “Thời chiến sẵn sàng cầm súng đánh giặc, thời bình phải nỗ lực chiến đấu trên mặt trận chống đói nghèo”.
Để đạt được thành quả như ngày hôm nay, ông Phùng Văn Cử đã phải trải qua bao gian nan, thử thách với bao thương tật, với ý chí của người lính ông đã cùng vợ nuôi dậy các con, các cháu trưởng thành, xây dựng kinh tế hộ gia đình từ hai bàn tay trắng. Hiện nay gia đình ông có nhà ở khang trang, kinh tế ổn định, gia đình ấm no, hạnh phúc, con cháu thảo hiền. Ông thường kể lại cho các con, các cháu của mình về những trận đánh, những chiến công ông đã đạt được để các con, các cháu học tập và noi theo ý chí tự lực, tự cường của cha ông trong kháng chiến.

Ở tuổi 75 với bản chất của người lính cụ Hồ, nhưng ông vẫn luôn nỗ lực hết mình với vai trò là hội viên của các các đoàn thể, không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Những việc làm, những thành tích của ông đã tạo được sự lan tỏa trong khu dân cư nói riêng, trong toàn xã nói chung để mọi người học tập, noi theo. Ông Phùng Văn Cử luôn giáo dục con cháu phải biết ơn các thế hệ đi trước, sống chan hòa với mọi người, giúp đỡ những người xung quanh. Ông luôn xứng đáng là tấm gương cho con cháu, cho thế hệ trẻ noi theo. Xứng đáng với lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”.
Để giữ gìn, phát huy tiếp bước những truyền thống của cha anh, các thế hệ đi trước. Chúng tôi mong muốn mỗi cán bộ, hội viên Nông dân, toàn thể nhân dân và thế hệ trẻ cần không ngừng học hỏi, khắc ghi những công lao của các thế hệ đi trước. Thể hiện bằng những hành động và việc làm cụ thể, để xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh.