Bài tuyên truyền Về tấm gương người tốt, việc tốt nhân kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2024)
Trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, chống giặc ngoại xâm giành độc lập tự do cho đất nước, có biết bao người lính đã anh dũng hy sinh mãi mãi không trở về. Nhưng phía sau ấy, vẫn còn đó sự hy sinh thầm lặng của những người mẹ, người vợ. Trong mọi hoàn cảnh, thời chiến cũng như thời bình, những người mẹ, người vợ thương binh, liệt sỹ bình dị nhưng kiên cường, thủy chung, son sắt, chịu thương, chịu khó đã vượt lên những khó khăn, mất mát trở thành hậu phương vững chắc cho mỗi người lính. Họ đã và đang có nhiều đóng góp cho xã hội, sống xứng đáng với những người đã khuất. Bà Ngô Thị Bích – vợ liệt sỹ Đặng Huy Chung ở khu 2 xã Minh Hạc là một trong những người vợ như thế.
Tới thăm gia đình bà Bích vào một sáng tháng 7 khi cơn mưa mùa hè vừa dứt để lại bầu không khí mát lành, với nụ cười hiền hậu và thân thiện bà mời chúng tôi vào nhà bắt đầu câu chuyện của cuộc đời mình: Bà sinh năm 1942 trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Năm 18 tuổi, cô giáo Ngô Thị Bích từng là niềm mơ ước của bao chàng trai nhưng cô đã đem lòng yêu thương và nên duyên vợ chồng với thầy giáo trẻ Đặng Huy Chung – khi đó đang là giáo viên tại trường THPT Hạ Hòa. Trong 11 năm từ năm 1960 đến năm 1971, bốn người con lần lượt chào đời, mang niềm vui,niềm hạnh phúc đến với gia đình nhỏ của họ. Ngoài giờ lên lớp, cô giáo Bích vừa chăm con nhỏ vừa chăm chỉ tăng gia sản xuất để lo kinh tế cho gia đình.
Tháng 12 năm 1971, thầy giáo Đặng Huy Chung gác lại sách bút, lên đường nhập ngũ vào chiến trường Quảng Trị - trận địa khốc liệt nhất trong chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Đế quốc Mỹ.
Trong chiến dịch mùa hè đỏ lửa 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng trị năm 1972 - chiến dịch hào hùng nhất nhưng cũng bi thương nhất, dưới mưa bom của địch, hàng trăm anh hùng liệt sỹ đã hi sinh mà đồng đội không thể tìm được thi thể, đến nay thân nhân của họ vẫn đau đáu một nỗi niềm chưa tìm được hài cốt, trong đó có liệt sỹ Đặng Huy Chung.
Đối với bà Bích lúc đó, nỗi đau mất chồng cùng với hoàn cảnh gia đình khó khăn,lo cho 4 người con ăn học và chuẩn bị đón người con thứ 5 chào đời, nhiều lúc bà thấy nản lòng, tưởng không thể tiếp tục gắng gượng thêm nữa. Nhưng cứ mỗi lần như thế, bà lại như nghe thấy văng vẳng bên tai lời dặn dò của chồng "Mai này nếu anh không thể trở về, em hãy cố gắng để thay anh nuôi con khôn lớn” bà lại cảm thấy lòng mình ấm lại.
Được sự cưu mang đùm bọc của gia đình nội ngoại, cùng sự quan tâm của bà con lối xóm, tình yêu con cái và sự kính trọng đối với người chồng đã hy sinh ngoài mặt trận, bà cam lòng ở vậy, không đi bước nữa. Để bớt đi cảm giác cô đơn, trống trải của người phụ nữ tuổi đang xuân, bà tập trung vào việc chăm lo cho con cái, gia đình nhà chồng, bà luôn tâm niệm lấy công việc dạy học làm niềm vui chính của mình. Bà dành hết tình yêu thương cho 5 đứa con với mong muốn các con được đi học và có công ăn việc làm ổn định. Vất vả là vậy nhưng bà luôn vui vẻ, không kêu ca nửa lời. Giờ các con của bà đều đã trưởng thành, có gia đình, công ăn việc làm ổn định, đặc biệt người con trai út hiện đang công tác tại chính ngôi trường mà hơn 50 năm trước cha của anh đã từng công tác, giảng dạy trước khi nhập ngũ.
Đến nay, tuy đã ở tuổi 80 nhưng bà vẫn rất nhanh nhẹn, minh mẫn. Bà luôn sống lạc quan, vui vẻ bên con cháu, đoàn kết, thương yêu bà con lối xóm. Bà xứng đáng là tấm gương sáng về tinh thần “kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm đang” để thế hệ trẻ học tập, noi theo.