Bài tuyên truyền kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2024) của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Minh Hạc
Xúc động câu chuyện về tấm bằng “Tổ quốc ghi công” truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng Đỗ Thị Phẩm.
Năm 2020 gia đình mẹ Việt Nam Anh hùng Đỗ Thị Phẩm (sinh năm 1893 – mất năm 1966) ở khu 2 xã Minh Hạc đã rất vui mừng khi nhận tin: Mẹ Đỗ Thị Phẩm vinh dự được chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Xúc động và tự hào, Đảng – Chính quyền địa phương và dân làng, hàng xóm ai cũng mừng cho dòng họ, gia đình Mẹ. Đằng sau niềm vui ấy là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của nhiều người vì một nghĩa Tri ân.
Cùng một thời điểm tháng 3 năm 1954, mẹ Đỗ Thị Phẩm mất đi hai người con trai. Một người con trai đã lập gia đình và một người con trai còn chưa có gia đình, chưa kịp sinh con, sinh cháu cho Mẹ. Đến khi mẹ mất, vẫn đau đáu vì chưa thể tìm được hài cốt con về. Đó là câu chuyện buồn, có lẽ không chỉ của riêng mẹ Đỗ Thị Phẩm mà tựa như nỗi đau của hàng ngàn bà mẹ Việt Nam anh hùng trên khắp mọi miền của Tổ quốc.
Trong ngôi nhà nhỏ ở khu 2 xã Minh Hạc, ông Trần Văn Thịnh – cháu nội của Mẹ Việt Nam anh hùng Đỗ Thị Phẩm xúc động khi kể về bà nội mình: “Bà tôi mất năm nay đã 56 năm. Cả đời bà vất vả, đến khi được vinh dự, vẻ vang thì bà đã không còn nữa”.
Ở tuổi 75, theo thời gian, tuổi tác, ông có thể quên nhiều thứ nhưng những câu chuyện về chiến tranh, về những ngày buồn của gia đình thì ông nhớ như in. Ông kể:
“ Ông bà nội của ông là cụ ông Trần Văn Hiểu và cụ bà Đỗ Thị Phẩm sinh được 8 người con (4 trai, 4 gái), trong đó bố của ông – Liệt sỹ Trần Văn Phú là người con trai cả. Mùa xuân năm 1954, khi cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc sắp bước vào giai đoạn quyết định, theo tiếng gọi của đất nước, hai người con trai của cụ là liệt sỹ Trần Văn Phú và liệt sỹ Trần Văn Ngọc xung phong lên đường, cùng nhau vào trận địa Điện Biện Phủ tham gia dân công hỏa tuyến”
Tháng 3/1954, Tại trận địa đồi Him Lam lịch sử, trong bom đạn khốc liệt, hai liệt sỹ Trần Văn Phú và Trần Văn Ngọc đã anh dũng hi sinh. Máu và xương của hai liệt sỹ đã hòa vào đất mẹ cùng với nhiều liệt sỹ khác, để lá cờ độc lập được bay lên.
Những tháng ngày sau khi nhận tin báo tử của hai con, mẹ Đỗ Thị Phẩm sống trong nỗi đau khắc khoải, nỗi nhớ con khôi nguôi và mòn mỏi chờ tin tìm được hài cốt con về, nhưng chiến tranh – bom đạn khốc liệt đã không cho mẹ được toại nguyện. Mẹ suy kiệt sức khỏe, ốm nặng và qua đời năm 1966.
Năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 56 và năm sau (2014) ban hành Thông tư liên tịch số 03 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng có nêu rõ “ Bà mẹ có 2 con trở lên là liệt sỹ được Thủ tướng chính phủ tặng bằng Tổ quốc ghi công”
Đối chiếu với quy định, cuối năm 2015, gia đình làm hồ sơ đề nghị nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho mẹ Đỗ Thị Phẩm.
Tuy nhiên, quá trình lập hồ sơ còn tồn tại một số vướng mắc: Không biết nguyên nhân do chiến tranh khiến giấy tờ thất lạc, hay do sơ xuất trong quá trình kê khai khi báo tử, mà hồ sơ liệt sỹ Trần Văn Phú , Trần Văn Ngọc được lưu giữ tại Sở Lao động – Thương binh và xã hội tỉnh Phú Thọ chỉ có họ và tên bố đẻ là Trần Văn Hiểu , không có họ và tên mẹ. Vì vậy việc xác nhận mẹ Đỗ Thị Phẩm là mẹ Việt Nam anh hùng gặp khó khăn.
Qua quá trình hướng dẫnphòng LĐ- TBHX huyện Hạ Hòa và UBND xã Minh Hạc lập hồ sơ làm lại từ đầu để đáp ứng đúng, đủ yêu cầu. Tháng 3 năm 2020, bà Nguyễn Thị Kính – là Vợ liệt sỹ Trần Văn Phú và là người đang thờ cúng mẹ Đỗ Thị Phẩm – đã ủy quyền cho con trai là ông Trần Văn Thịnh đứng tên để kê khai làm hồ sơ đề nghị truy tặng danh hiệu vinh dự nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho mẹ Đỗ Thị Phẩm. Đến tháng 5 năm 2020, gia đình đã vinh dự được nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ VNAH.
Trên hành trình đề nghị truy tặng danh hiệu bà mẹ VNAH ấy, là công sức, tâm huyết, là tình cảm, lương tâm, trách nhiệm của con cháu, gia đình, dòng họ, của Đảng – chính quyền địa phương, bởi đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây là đạo lý luôn thường trực trong mỗi chúng ta.
Tháng 7 mùa tri ân, Hội LHPN xã mong rằng qua câu chuyện này, mỗi cán bộ, hội viên và toàn thể nhân dân thêm yêu, thêm tự hào về truyền thống yêu nước, sẵn sàng hi sinh vì độc lập tự do của tổ quốc của các thế hệ cha anh xã Minh Hạc nói riêng và trên khắp moi miền của Tổ quốc nói chung; Từ niềm tự hào đó, chúng ta hãy thể hiện sự biết ơn, tri ân người có công, thân nhân liệt sỹ bằng những hành động thiết thực, cụ thể nhất; đồng thời để nhắc nhở thế hệ trẻ xã Minh Hạc hôm nay biết trân trọng những hy sinh cao cả, những cống hiến vô giá cho nền độc lập của cha anh đi trước. Càng tự hào, trân trọng truyền thống và công lao của các bậc tiền nhân, của các anh hùng, liệt sĩ càng nhắc nhở mỗi chúng ta luôn tự dặn lòng mình phải sống xứng đáng với sự hy sinh to lớn đó của những người đã: “Trải tấm lòng son vì đất nước; Đem dòng máu đỏ giữ quê hương”.